BẢN GIỚI THIỆU SÁCH THÁNG 10 NĂM 2014 “CHỦ NGHĨA HIỆN THỰC TRONG VĂN HỌC VIỆT NAM NỬA ĐẦU THẾ KỶ XX”

Chủ nghĩa hiện thực trong văn học Việt Nam nữa đầu thế kỉ XX

Chủ nghĩa hiện thực trong văn học Việt Nam nữa đầu thế kỉ XX
Cũng như các trào lưu văn học khác, chủ nghĩa hiện thực là một hiện tượng văn học có tính chất lịch sử, gắn liền với thời đại sản sinh ra nó. Các trào lưu văn học ra đời sau chủ nghĩa hiện thực, một mặt đã kế thừa thành tựu của chủ nghĩa hiện thực, mặt khác đã có những cách tân, đổi mới sâu sắc, tạo nên sự tiến bộ trong nghệ thuật. Trong xu thế phát triển mạnh mẽ, với nhiều thử nghiệm tìm tòi, đổi mới của văn học trong thời đại hiện nay, thiết nghĩ không nên xem những thành tựu của chủ nghĩa hiện thực là mẫu mục, là khuôn mẫu bất di bất dịch áp đặt cho văn học của mọi thời đại, của muôn đời; nhưng cũng không thể bài bác một cách tùy tiện thành tựu và đóng góp to lớn của trào lưu văn học tiến bộ này đối với lịch sử văn học của mỗi dân tộc nói riêng và toàn nhân loại nói chung.

Chủ nghĩa hiện thực trong Văn học Việt Nam nửa đầu Thế kỷ XX, một hiện tượng lớn có tầm quan trọng hàng đầu trong tiến trình văn học dân tộc luôn được giới lý luận, phê bình, nghiên cứu văn học quan tâm và đã có hàng trăm công trình lớn nhỏ đề cập; nhưng phần lớn mới nghiên cứu ở cấp độ tác giả, tác phẩm.

 

Tiếp thu thành tựu của những người đi trước, tác giả của công trình này, muốn nghiên cứu một cách sâu sắc, toàn diện và hệ thống chủ nghĩa hiện thực trong văn học Việt Nam giai đoạn 1930 – 1945; nghiên cứu những chặng đường phát triển của chủ nghĩa hiện thực trong mối quan hệ chặt chẽ giữa chúng với nhau trong mối quan hệ tác động qua lại với các trào lưu văn học khác. Cuốn sách đã làm sáng tỏ những phương diện cơ bản: từ sự hình thành, quá trình vận động và phát triển, nguyên tắc phản ánh đời sống và quan điểm nghệ thuật, cảm hứng chủ đạo và những xung đột chủ yếu, các thể loại chính, thế giới nhân vật và nghệ thuật điển hình hóa đến ngôn ngữ nghệ thuật của trào lưu hiện thực chủ nghĩa từ khoảng 1930 đến 1945.

Cuốn sách này góp phần vào việc khẳng định những thành tựu, những đóng góp to lớn cũng như vị trí đặc biệt quan trọng của trào lưu văn học hiện thực nửa đầu thế kỷ XX đối với nền văn học Việt Nam.

Cuốn sách của tác giả Trần Đăng Suyền bao gồm 379 trang do Nhà Xuất bản Giáo dục phát hành. In xong và nộp lưu chiểu tháng 09 năm 2013.