TƯƠNG TÁC GIỐNG – KHÁC, BỔ TRỢ CHO NHAU CỦA VĂN HỌC DÂN GIAN VÀ VĂN HỌC VIẾT
TƯƠNG TÁC GIỐNG – KHÁC, BỔ TRỢ CHO NHAU
CỦA VĂN HỌC DÂN GIAN VÀ VĂN HỌC VIẾT
Trần Thị Phúc Hòa
Văn học là một môn nghệ thuật phản ánh nhận thức, khám phá hiện thực đời sống theo yêu cầu cái đẹp, nhằm thỏa mãn cho con người những tình cảm thẩm mĩ vô cùng phong phú và đa dạng.
Trong lịch sử văn học Việt Nam, bộ phận văn học dân gian ra đời trước, sau đó tiếp tục tồn tại và phát triển song song với bộ phận văn học viết cho đến ngày nay. Từ khi ra đời đến nay, văn học dân gian không chỉ góp phần tạo nên diện mạo hoàn chỉnh, toàn vẹn của nền văn học dân tộc Việt Nam nói riêng mà còn có vai trò quan trọng đối với sự hình thành và phát triển của văn học viết.
Văn học dân gian là gì? Văn học dân gian là những sáng tác của tập thể nhân dân và được lưu truyền bằng con đường truyền miệng. Văn hoc dân gian còn được gọi là văn học bình dân, văn học truyền miệng. Văn học dân gian có nghĩa là “văn học (được lưu truyền) trong dân”. Theo cách gọi này văn học dân gian là tiếng nói của đông đảo quần chúng nhân dân lao động.
Do sáng tác và lưu truyền bằng con đường truyền miệng nên khi xã hội chưa có chữ viết, văn học dân gian đáp ứng được nhu cầu biểu hiện ý thức tập thể, nhu cầu đời sống tinh thần của nhân dân. Văn học dân gian đóng vai trò là phương tiện giao lưu, biểu hiện tình cảm, ý thức của cả cộng đồng.
Cùng với sự phát triển của xã hội, chữ viết xuất hiện. Tuy vậy, không phải người bình dân nào cũng biết chữ và được thưởng thức văn học viết. Đối với họ, văn học dân gian nói riêng, văn hóa dân gian nói chung, trở thành nguồn nuôi dưỡng tinh thần, môi trường sáng tác, thưởng thức chính, không gì có thể thay thế.
Văn học viết Việt Nam bắt đầu xuất hiện từ thế kỉ X. Đó là những sáng tác của các cá nhân cụ thể và được lưu truyền bằng chữ viết. Văn học viết Việt Nam từ thế kỉ X đến hết thế kỉ XIX gọi là văn học trung đại. Về mối liên hệ văn hóa, văn học, có thể thấy văn học viết Việt Nam trung đại thuộc loại hình văn học trung đại phương Đông, mà trung tâm ảnh hưởng, chi phối là văn hóa, văn học Hán. Sự ảnh hưởng này diễn ra sâu sắc, nhiều mặt, từ ý thức hệ tư tưởng đến văn tự, từ quan niệm văn học đến hình thức, thể loại văn học. Đây là mối quan hệ tác động qua lại hai chiều. Giáo sư Đàm Chí Từ khẳng định: “Trung quốc và Việt Nam là hai nước có nền văn hóa rất gần nhau. Sự gần nhau về văn hóa đó là kết quả của sự giao lưu văn hóa lâu dài qua nhiều thế kỉ giữa hai nước. Mối giao lưu văn hóa này mang tính hai chiều, tuy không loại trừ trường hợp một chiều trong một khoảng thời gian nhất định”.
Về phương diện quan niệm văn học, quan niệm thẩm mĩ, ta thấy văn học viết Việt Nam trung đại coi văn học là nghệ thuật ngôn từ nhằm thể hiện “tâm”, “chí”, “đạo”. Với các tác giả văn học trung đại, điều căn bản nhất là văn học phải chiếm lĩnh cái “thần”, cái “hồn” của sự vật, hiện tượng. “Văn chương là để giúp đời” (Ngô Thì Nhậm), văn chương có chức năng xã hội cao cả, văn học để giáo hóa đạo lý, di dưỡng tinh thần, là phương tiện để kí ngụ cảm hoài, “văn dĩ tải đạo”, “thi dĩ ngôn chí”. Ông cha ta quan niệm cái đẹp bao giờ cũng phải gắn liền với cái đạo đức; cái đẹp gắn với cái hữu ích, hữu dụng; cái đẹp là môt sự cân đối, hài hòa; cái “tinh” được tạo lập, chưng cất theo quy luật “quý hồ tinh bất quý hồ đa” và hết sức gần gũi với cuộc sống.
Về phương diện nội dung cảm hứng, văn học viết Việt Nam trung đại luôn gắn bó với vận mệnh đất nước và số phận con người. Chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa nhân đạo tích cực là nội dung chủ đạo bao trùm văn học trung đại. Chủ nghĩa yêu nước gắn với tư tưởng tôn quân, “trung quân ái quốc”. Chủ nghĩa yêu nước gắn chặt với lòng nhân đạo, ở nhiều trường hợp, yêu nước trở thành một phương diện của lòng nhân đạo. Chủ nghĩa nhân đạo trong văn học Việt Nam trung đại chịu ảnh hưởng đạo lý từ bi bác ái của Phật giáo, lý tưởng nhân nghĩa của Nho giáo.
Về phương diện hệ thống thể loại, văn học viết Việt Nam trung đại chủ yếu vay mượn các thể loại văn học Trung Quốc, nhất là các thể loại hành chức như chiếu, hịch, cáo, biểu, tấu, nghị, sớ, thư, tự, bạt, văn tế…. Các thể loại sáng tác nghệ thuật như truyện, ký, tiểu thuyết chương hồi, từ, khúc, thơ Đường luật…Ngoài ra có các thể loại dân tộc như lục bát, song thất lục bát, hát nói, ngâm khúc…
Về ngôn bản, văn học viết Việt Nam trung đại được viết bằng chữ Hán và chữ Nôm.
Bước sang thế kỉ XX, văn học viết Việt Nam bắt đầu quá trình đổi mới, hiện đại hóa. Quá trình hiện đại hóa văn học đạt được nhiều thành tựu xuất sắc vào những năm 1932 đến năm 1945. Giai đoạn này về cơ bản đã hoàn tất một quá trình hiện đại hóa văn học. Toàn bộ hệ thống thi pháp văn học trung đại bị phá vở bởi nhiều cuộc cách tân thắng lợi, như cuộc cách tân về thơ của phong trào Thơ mới (1932- 1945); cuộc cách tân về tiểu thuyết của nhóm Tự lực văn đoàn; cách tân về truyện ngắn, bút ký của Nguyễn Công Hoan, Nguyễn Tuân, Thạch Lam…và cuộc cách tân về văn xuôi được đẩy lên đỉnh cao bởi nhiều phong cách lớn trong khuynh hướng hiện thực chủ nghĩa, tiêu biểu như Ngô Tất Tố, Vũ Trọng Phụng, Nam Cao…Hệ thống thể loại thể hiện ở bộ ba: thơ tự do, tiểu thuyết, kịch đã góp phần đẩy văn học Việt Nam thực sự thoát khỏi hệ thống thi pháp cơ bản của văn học trung đại để giao lưu, hội nhập với văn học hiện đại thế giới mà trung tâm là văn học phương Tây.
Văn học viết Việt Nam từ khi ra đời đã luôn vận động cùng những biến động của lịch sử dân tộc, có mối liên hệ chặt chẽ với những sự kiện lịch sử quan trọng liên quan đến vận mệnh đất nước. Văn học thời kì từ năm 1945 đến 1975 được xem là một mặt trận, nhà văn được xem là người chiến sĩ cầm bút. Lúc này, cả nước “mang chung một tâm hồn” hướng đến Đảng, hướng đến cách mạng. Cảm hứng yêu nước, bút pháp anh hùng ca trở thành phương pháp sáng tác chủ đạo kéo dài mấy mươi năm. Năm 1975, cách mạng Việt Nam hoàn toàn thắng lợi. Suốt mười năm sau hòa bình, văn học vẫn trong đà cảm hứng yêu nước và bút pháp sử thi ấy. Từ năm 1976 đến năm 1985, văn học viết Việt Nam nhìn chung chưa có nhiều thay đổi trong nội dung và phương pháp sáng tác. Phải đến năm 1986, công cuộc đổi mới của Đảng về chính trị, kinh tế, xã hội mới kéo theo sự biến đổi lớn về tư tưởng sáng tác, quan niệm thẩm mĩ, hình thức nghệ thuật …trong văn học.
Cả hai bộ phận văn học dân gian và văn học viết đều nhận thức và phản ánh cuộc sống của con người bằng hình tượng. Thông qua việc xây dựng các hình tượng nghệ thuật để tái hiện hiện thực cuộc sống, thể hiện tư tưởng, tình cảm, ước mơ, khát vọng của con người. Con người là trung tâm trong bức tranh đời sống văn học.
Khách quan mà nói, so với văn học viết, văn học dân gian có những ưu thế riêng trong việc thỏa mãn nhu cầu tinh thần, nhu cầu tình cảm, tâm tư nguyện vọng của đa số quần chúng nhân dân. Người bình dân có thể sáng tác một câu chuyện, một bài ca dao ở mọi nơi mọi lúc (trên đồng ruộng, bên mái đình, đêm trăng thanh…), quá trình sáng tác diễn ra rất nhanh theo lối ứng tác. Quá trình sáng tác và lưu truyền của văn học dân gian không bị cản trở bởi sự kiểm duyệt nào. Vả lại, là những sáng tác khuyết danh, phản ánh đời sống tình cảm của người bình dân đúng như nó vốn có, văn học dân gian vì thế phát huy được tối đa tinh thần dân chủ. Văn học dân gian được lưu truyền và phổ biến nhanh, có sức cộng hưởng lớn trong quần chúng nhân dân.
Ngôn ngữ văn học dân gian có sự kết hợp với các yếu tố ngoài văn bản, gắn liền với môi trường diễn xướng dân gian nên thường đạt hiệu quả giao tiếp cao. Ngôn ngữ văn học dân gian mộc mạc, chất phác, tự nhiên. Tác phẩm thường được sáng tác theo môtíp, công thức có sẵn, người bình dân không cần dồn hết năng lực vào việc sáng tác văn bản. Trong khi ngôn ngữ văn học viết gọt giũa, sử dụng nhiều biện pháp tu từ, được người sáng tác cân nhắc từng “miligam quặng chữ”. Do “cách mặt khuất lời”, lại là sản phẩm của một cá nhân nên ngôn ngữ văn học viết được pha màu theo cách riêng, sự sáng tạo của nhà văn nhà thơ được thể hiện ở kết cấu, cốt truyện… mới lạ.
Văn học dân gian thường có giọng điệu chống đối bài bác, khác với văn học viết có quan tâm đến tầng lớp dưới, nhưng chủ yếu hướng đến tầng lớp trên, khẳng định các giá trị nhân văn của con người.
Nhân vật trong văn học dân gian có tính phổ biến, tiêu biểu cho một kiểu người, loại người. Trong khi đó nhân vật văn học viết là những sáng tạo có tính cá thể, “điển hình hóa”.
Do lưu truyền bằng con đường truyền miệng, văn học dân gian có tính khả biến, biến đổi theo thời gian và không gian (dị bản); đề tài, chủ đề lặp đi lặp lại trong nhiều tác phẩm khác nhau. Ngược lại, văn học viết cố định, bất biến về mặt văn bản nhưng luôn có sự “lạ hóa” về đề tài, chủ đề, cách thức thể hiện...
Thể loại trong văn học dân gian khá đa dạng và mù mờ ngay trong thể loại do cùng cấu trúc thẩm mĩ. Văn học viết lại khác, cùng đề tài nhưng khác xa về cấu trúc thẩm mĩ. Không gian, thời gian, nhân vật, cốt truyện trong văn học viết là cá biệt, cụ thể. Trong khi đó, văn học dân gian lại phiếm chỉ, tương đồng.
Cũng giống như các nước trong khu vực Đông Nam Á, văn học dân gian Việt Nam tiếp tục tồn tại sau khi có chữ viết và phát triển cho tới ngày nay còn do vai trò quan trọng của chính dòng văn học này. Văn học dân gian có vai trò quan trọng trong việc hình thành và phát triển văn học viết. Ở Việt Nam, giai đoạn đầu của văn học viết có mối liên hệ chặt chẽ với văn học dân gian. Khi chữ viết xuất hiện ở nước ta, các tác phẩm văn học viết như “Việt Điện u linh tập” của Lý Tế Xuyên và “Lĩnh Nam chính quái lục” của Trần Thế Pháp …đều được xây dựng trên cơ sở của các truyền thuyết, các truyện cổ tích. Các tác phẩm này thức chất là sự sưu tầm, ghi chép và chỉnh lý lại các câu chuyện lưu truyền trong dân gian. Suốt nhiều giai đoạn phát triển về sau, văn học viết vẫn tiếp tục kế thừa, khai thác các giá trị nội dung và kinh nghiệm nghệ thuật của văn học dân gian để tạo ra những tác phẩm văn học viết có tính nhân văn, tính dân tộc sâu sắc. Nhờ hấp thu mạch nguồn từ văn học dân gian, nhiều tác giả lớn trong văn học viết Việt Nam từ trung đại đến hiện đại có sự nghiệp sáng tác rực rỡ như Nguyễn Trãi, Lê Thánh Tông, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Khuyến, Tú Xương…hay Huy Cận, Nguyễn Bính, Hàn Mặc Tử...; các nhà thơ cách mạng trưởng thành từ kháng chiến như Tố Hữu, Hoàng Cầm, Nguyễn Khoa Điềm…; các nhà văn mới nổi lên sau năm 1986 như Nguyễn Ngọc Tư, Hồ Anh Thái…
Tác động của văn học dân gian và văn học viết là sự tác động bổ trợ hai chiều. Thực tế hoạt động văn học các nước trong khu vực có rất nhiều sáng tác văn học viết đã dần dần bị dân gian hóa. Ở Việt Nam, một số bài thơ, câu thơ như:
Anh đi anh nhớ quê nhà,
Nhớ canh rau muống, nhớ cà dầm tương.
Nhớ ai dải nắng dầm sương,
Nhớ ai tát nước bên đường hôm nao.
(Trần Tuấn Khải)
Tháp mười đẹp nhất bông sen,
Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ.
(Bảo Đình Giang)
Mồ hôi mà đỗ xuống đồng,
Lúa mọc trùng trùng trùng sáng cả đồi nương.
(Thanh Tịnh)
Lúc đầu các tac phẩm này do các tác giả cụ thể sáng tác ra nhưng dần dà nó đi vào đời sống của người bình dân, trở nên thân thương gần gũi như những câu ca dao, trở thành tài sản của người bình dân. Nói cách khác, những sáng tác của Trần Tuấn Khải, Bảo Đình Giang, Thanh Tịnh đã được dân gian hóa.
Tuy vậy, hướng tác động chủ yếu của hai bộ phận văn học này vẫn là sự tác động của văn học dân gian đến quá trình vận động phát triển của văn học viết. Văn học dân gian ảnh hưởng đến văn học viết ở cả nội dung và hình thức thể hiện. Ở phương diện nội dung, sự ảnh hưởng thể hiện trên đề tài, nguồn cảm hứng, tư tưởng nhân ái, tình cảm lạc quan yêu đời, tình yêu thiên nhiên, yêu con người…Ở phương diện hình thức nghệ thuật, sự ảnh hưởng thể hiện thông qua ngôn ngữ, hình ảnh, cách nói, các biện pháp tu từ, thể loại, chất liệu…
Tính quy phạm trong văn học Việt Nam trung đại đã gò ngôn ngữ thơ vào hàng rào bao quanh cái gọi là thanh nhã, trang trọng, trừu tượng, cổ kính. Ngôn ngữ thơ ca trong sáng tác của Ức Trai không dựa vào khuôn vàng thước ngọc. Ông đã mạnh dạn mở cánh cửa thi ca cho ngôn ngữ đời thường, cho thành ngữ, tục ngữ, ca dao tràn vào:
Hài cỏ đẹp chân đi đủng đỉnh
Áo bô quen cật vận thênh thang
(Tức sự, số 4)
Ao quan thả gửi hai bè muống
Đất bụt ương nhờ một lảnh mùng.
(Thuật hứng, số 23)
Rất nhiều bài thơ, tài thơ Nguyễn Trãi đã vận dụng lại một cách tài tình ý, lời, đôi khi nguyên vẹn cả một câu tục ngữ, ca dao. Tục ngữ có câu: “Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài”, nhà thơ viết:
Ngoài năm mươi tuổi ngoài chưng thế
Ắt đã tròn bằng nước ở bầu
(Trần tình, số 4)
Ca dao có những câu: “Trăm năm bia đá thì mòn”, “Mật ngọt thì ruồi chết tươi”, Nguyễn Trãi có thơ: “Bia đá hay mòn nghĩa chẳng mòn” (Tự thán, số 22), “Miệng người như mật mùi qua ngọt” (Tự thán, số 21). Nhà thơ đã khéo léo sắp đặt các kinh nghiệm sống của nhân dân được đúc kết qua ca dao, tục ngữ, thành ngữ, để biểu đạt quan điểm về cách sống, cách ứng xử ở đời. Từ kiểu nói dân gian nhưng lại được diễn đạt theo cách riêng và được xếp đặt theo một lôgic là nét độc đáo riêng biệt của Nguyễn Trãi. Bình dị, thân thương, ít cầu kì, không đẽo gọt, thơ Nôm Nguyễn Trãi không vì thế mà giảm đi ý vị triết lý nhân sinh sâu xa.
Nguyễn Bính là một trong những cây bút tiêu biểu của phong trào Thơ mới. Người có nhiều đóng góp cho sự phát triển thơ ca Việt Nam trên bước đường hiện đại hóa lại được mệnh danh là “nhà thơ chân quê”, “thi sĩ của đồng quê”. Bởi trong sáng tác của mình (Tương tư, Mưa xuân, Chân quê, Ghen, Lỡ bước sang ngang, xa cách…), Nguyễn Bính đã sử dụng khéo léo các chất liệu văn hóa, văn học dân gian, kế thừa và vận dụng sáng tạo thể thơ lục bát, vận dụng nhiều cách nói dân gian… tạo nên nét độc đáo riêng biệt, hình thành cá tính sáng tạo, phong cách nghệ thuật Nguyễn Bính.
Bài thơ “Đất Nước” trích từ chương V của trường ca “Mặt đường khát vọng” là một trong những tác phẩm thành công nhất trong sự nghiệp sáng tác của Nguyễn Khoa Điềm. Để phác họa hình tượng đất nước theo quan điểm “Đất nước của Nhân dân”, nhà thơ đã vận dụng một cách tinh tế các chất liệu văn hóa dân gian, những cách nói trong truyện cổ tích, ca dao, lời ru của bà, của mẹ tạo nên màu sắc lung linh huyền thoại được thể hiện trong âm điệu tâm tình, thủ thỉ. Tất cả tạo nên một phong vị riêng cho bài thơ. Hòa chung trong dòng thơ ca chính luận trữ tình của thơ ca chống Mỹ, bài thơ “Đất Nước” của Nguyễn Khoa Điềm vẫn có dấu ấn riêng, để lại dư âm khó quên trong lòng người đọc.
Tháng 6 năm 2011, Hồ Anh Thái trình làng tiểu thuyết “SBC là săn bắt chuột”. Tiểu thuyết này đã đem đến cho văn học một màu sắc lạ, một cách phản ánh hiện thực độc đáo. Mượn yếu tố kỳ ảo trong văn học dân gian, tác giả đã tạo ra một thế giới có cả người và vật. Chuột hiểu được lời nói và hành động của con người. Ngôn ngữ dân gian, với rất nhiều lời nhại, khẩu ngữ, nói lái…Ở tiểu thuyết mới nhất của Hồ Anh Thái, các yếu tố dân gian được sử dụng như một phương pháp sáng tác, gọi là nhại cổ tích.
Ở Việt Nam, văn hóa nói chung và văn học nói riêng được hình thành và phát triển trên cơ tầng của nền văn minh lúa nước. Vì vậy, văn học dân gian không chỉ là văn học mà còn là văn hóa, gắn với đời sống vật chất và tinh thần của cộng đồng dân cư. Cơ sở hình thành của văn học dân gian là không gian cư trú (làng quê), gắn liền với sản xuất nông nghiệp. Vì thế, ở những giai đoạn phát triển về sau, văn học dân gian chịu sự tác động của văn học viết. Nhưng công bằng mà nói, văn hoc dân gian với những đặc điểm riêng, ăn sâu vào tâm thức cộng động, ảnh hưởng chi phối đời sống tinh thần của đại bộ phận nhân dân không chỉ một thời mà có sức lan tỏa đến sự phát triển lịch sử văn học dân tộc, tác động tích cực, sâu xa đến quá trình hình thành diện mạo văn học viết.
TÀI LIỆU THAM KHẢO CHÍNH
1. Lại Nguyên Ân, 150 thuật ngữ văn học, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 1999.
2. Trần Đình Sử, Lý luận và phê bình văn học, NXB Hội Nhà văn, Hà Nội, 1996.
3. Lê Ngọc Trà, Lý luận và văn học, NXB Trẻ, 2005.
4. Lê Chí Quế, Giáo trình văn học dân gian Việt Nam, Nxb ĐHQG Hà Nội, 1998.
5. Hoàng Tiến Tựu, Giáo trình văn học dân gian Việt Nam, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 1998.
6. Hà Minh Đức, Thơ và mấy vấn đề trong thơ Việt Nam hiện đại, Nxb Văn học, 2000
7. Lê Bảo (tuyển chọn và biên soạn), Nguyễn Trãi, Nxb Giáo dục, 1997.
8. Trần Đình Sử, Thi pháp văn học trung đại Việt Nam, NXB ĐHQG Hà Nội, 2005
9. Đức Ninh, Nghiên cứu văn học Đông Nam Á, Nxb KHXH, 2004.