Hình tượng người phụ nữ trong tập thơ "Cát trắng" của Nguyễn Duy

Hình tượng người phụ nữ là một hình tượng mang tính truyền thống trong văn học Việt Nam nói chung và trong thơ ca Việt Nam nói riêng. Các tác giả khi viết về hình tượng này - bất kể thời chiến hay thời bình, gian khổ hay sung sướng, đói rét hay ấm no …, đều dành những tình cảm hết sức chân thành, tri ân. Một trong những nhà thơ có nhiều tác phẩm viết về bà, mẹ, chị, em …, những người phụ nữ gần gũi trong cuộc đời là nhà thơ Nguyễn Duy. Với một giọng thơ triều mến, thiết tha, nhà thơ tài năng này đã xây dựng được hình tượng những người phụ nữ trong thơ với đủ sắc thái cung bật cảm xúc, đặt biệt trong tập thơ “Cát trắng” (1973).

HÌNH TƯỢNG NGƯỜI PHỤ NỮ

TRONG TẬP THƠ “CÁT TRẮNG” CỦA NGUYỄN DUY

 

Hình tượng người phụ nữ là một hình tượng mang tính truyền thống trong văn học Việt Nam nói chung và trong thơ ca Việt Nam nói riêng. Các tác giả khi viết về hình tượng này - bất kể thời chiến hay thời bình, gian khổ hay sung sướng, đói rét hay ấm no …, đều dành những tình cảm hết sức chân thành, tri ân. Một trong những nhà thơ có nhiều tác phẩm viết về bà, mẹ, chị, em …, những người phụ nữ gần gũi trong cuộc đời là nhà thơ Nguyễn Duy. Với một giọng thơ triều mến, thiết tha, nhà thơ tài năng này đã xây dựng được hình tượng những người phụ nữ trong thơ với đủ sắc thái cung bật cảm xúc, đặt biệt trong tập thơ “Cát trắng” (1973).

Nguyễn Duy tên thật là Nguyễn Duy Nhuệ, sinh tại xã Đông Vệ, huyện Đông Sơn, Thanh Hóa. Năm 1965, từng làm tiểu đội trưởng tiểu đội dân quân trực chiến tại khu vực cầu Hàm Rồng, một trọng điểm đánh phá ác liệt của không quân Mỹ trong những năm chiến tranh. Năm 1966, ông nhập ngũ, trở thành lính đường dây của bộ đội thông tin tham gia chiến đấu nhiều năm trên các chiến trường 9, Khe Sanh, Đường 9, Nam Lào, chiến trường miền Nam, biên giới phía Bắc (năm 1979). Sau khi giải ngũ, ông làm việc tại Tuần báo văn nghệ, (Hội Nhà văn Việt Nam) và là Trưởng Đại diện của báo này tại phía Nam.

Khi còn nhỏ, ông được bà ngoại đọc cho nghe rất nhiều hò vè, ca dao và truyện nôm khuyết danh. Bà ngoại Nguyễn Duy không biết chữ nhưng những gì bà thuộc lòng và đọc cho cậu bé Duy ngày ấy đã ăn sâu vào tâm trí của nhà thơ sau này. 9 tuổi, Nguyễn Duy đã tập tành làm thơ với những bài tả cảnh trường em, ruộng vườn, người thân... Bài thơ in báo đầu tiên vào năm 1957 khi Nguyễn Duy đang học lớp 2.

Hiện tượng thơ Nguyễn Duy bắt đầu được chú ý khi năm 1973 khi ông đoạt giải nhất cuộc thi thơ của Tuần báo Văn nghệ với chùm thơ: Hơi ấm ổ rơm, Bầu trời vuông, Tre Việt nam trong tập Cát trắng. Tre Việt Nam được viết trong suốt hai năm (1969-1970) trong thời gian Nguyễn Duy tại ngũ và sau này được đưa vào chương trình giảng dạy văn học phổ thông.

Thơ Nguyễn Duy đôi khi ngang tàng nhưng vẫn trầm tĩnh và giàu chiêm nghiệm. Ông được đánh giá cao trong thể thơ lục bát, nói như nhà phê bình văn học Chu Văn Sơn: “chỉ ở thể thơ lục bát, hồn thơ Nguyễn Duy mới dậy men nổi gió...”. Thơ lục bát của Nguyễn Duy được viết theo phong cách hiện đại, câu thơ vừa phóng túng lại vừa uyển chuyển chặt chẽ. Nguyễn Duy được giới phê bình nhìn nhận là người đã góp phần làm mới thể thơ truyền thống này.

Ngoài thơ, ông cũng viết tiểu thuyết, bút ký.

Nguyễn Duy được tặng Giải thưởng nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2007.

Trong thơ Nguyễn Duy nói chung và trong tập “Cát trắng” nói riêng, hình ảnh người mẹ luôn chiếm một vị trí quan trọng. Ông đi khắp nơi để khắc họa chân dung khác nhau của những người mẹ Việt Nam anh hùng. Dù đó là những bà mẹ ở Triều Phong, ở Cam Lộ hay ở bất kì đâu trên đất nước họ đều giống nhau ở tấm lòng yêu thương con cái, giống nhau ở lòng căm thù giặc xâm lược. Những người mẹ này luôn khiến tác giả phải trăn trở, suy tư về tấm lòng bao la rộng mở, luôn dang tay chào đón những đứa con từ mọi miền đất nước, dù đó “không phải hòn máu cắt”. Những người mẹ “ba lần tiễn con đi, hai lần khóc thầm lặng lẽ” luôn xem những đứa con là con mình.

Trong bài thơ “Hơi ấm ổ rơm”, Nguyễn Duy đã kể lại cuộc gặp gỡ đầy xúc động của nhà thơ với người mẹ nghèo trong “ngôi nhà tranh nhỏ bé ven đồng chiêm” ở Bình Lục trong một đêm lỡ đường:

Bà mẹ đón tôi trong gió đêm
- Nhà mẹ hẹp nhưng còn mê chỗ ngủ
Mẹ chỉ phàn nàn chiếu chăn chả đủ
Rồi mẹ ôm rơm lót ổ tôi nằm”


          Lời tự trách của người mẹ khi cảm thấy có lỗi vì không lo được cho các con chỗ ngủ cho tử tế thể hiện một tấm lòng nhân hậu. Nhà mẹ hẹp nhưng tấm lòng mẹ rộng mở. Chính điều này đã sưởi ấm tâm hồn người con lạc bước. Trong ngôi nhà tranh chỉ có những ổ rơm nhưng nhà thơ lại cảm thấy:

Rơm vàng bọc tôi như kén bọc tằm
Tôi thao thức trong hương mật ong của ruộng
Trong hơi ấm hơn nhiều chăn đệm
Của những cọng rơm xơ xác gầy gò

Tình cảm “ấm nồng nàn như lửa, cái mộc mạc lên hương của lúa” ấy còn quý hơn cả những bát cơm nuôi ta no, bởi lẽ nó “đâu dễ chia cho tất cả mọi người”.

Ở một chân dung khác, ta lại gặp một người mẹ chịu nhiều đau thương, mất mát bởi chiến tranh “cửa nhà bom dội trắng tay” nhưng bà mẹ Việt ở Cam Lộ lại giàu có hơn ai hết khi tài sản “chỉ còn mấy bắp ngô này con ơi” nhưng lại chia một cách hào phóng cho những người con “chiến sĩ” của mình. Người mẹ ấy đã giúp con cảm nhận được hương vị ngọt ngào của quê hương ẩn chứa trong bát nước ngô bình dị:

- Ai chưa uống nước ngô non
Là chưa được thấm cái ngon của đồng

       (Bát nước ngô của bà mẹ Việt ở Cam Lộ)

          Rồi những người mẹ già yếu ấy lại là chỗ dựa tinh thần vững chắc cho các con trong những giai đoạn khó khăn của cuộc đời, trên những bước đường chông gai của cuộc sống. Tình cảm bình dị mà chân thành, cao cả mà thấm thía là những điều các con sẽ luôn cảm nhận về mẹ qua những lời an ủi, vỗ về đầy tình yêu thương:   

- Răng mà khóc, con ơi...
Gánh cực quằn vai đã trút hết rồi
Đất quê kiểng lẽ nào tang thương mãi
Đau khổ quá chừng, lòng chai sạn lại
Mười năm nay mẹ không khóc nữa rồi
Nay con về, đừng khóc, con ơi...

Nhưng
Nước mắt Người lại rơi nóng vai tôi

                                                (Bà mẹ Triệu Phong )
          Nhìn chung, trong tập thơ này, Nguyễn Duy, cũng giống đồng nghiệp của mình, khi khắc họa hình ảnh những người mẹ trong chiến tranh luôn chú ý đến đức hi sinh, tình yêu thương bao la. Tác giả không chú ý miêu tả ngoại hình mà chủ yếu khắc họa hành động, lời nói và vẻ đẹp tâm hồn. Có lẽ vì thế mà những người mẹ có thể khác nhau nhưng tấm lòng của họ thì muôn đời giống nhau.

Cũng về đề tài người phụ nữ, trong tập “Cát trắng”, người đọc còn thấy chân dung của các cô gái. Các cô ở những hoàn cảnh khác nhau, những số phận khác nhau. Cô gái ở Hải Lăng là nạn nhân của kẻ thù xâm lược. Văn hóa thực dân đã biết cô thành một kẻ lai căng, kệch cỡm, mất gốc:

  • Xin chớ trách em mặc vải Mỹ mỏng tang
    Những áo hở hang, những quần bó nịt
    Mười tám tuổi - mười tám năm kìm kẹp
    Em như con chim trong lồng dây thép gai
    Chúng nó mưu toan Mỹ hoá cả giống nòi

Nhưng nhà thơ không hề nhìn cô ấy với đôi mắt kì thị mà lại nhận thấy trách nhiệm của mình trong việc “nổ súng phá rào chiến lược”, giải cứu những con người đáng thương, trả các cô về với “bộ áo bà ba” quen thuộc, trả lại cho các cô một cuộc sống bình yên.

          Nguyễn Duy cũng thấy có những cô gái khác “Tuổi mười tám tuổi đôi mươi/ ngực tròn săn sức lực thời thanh niên/ tròn lay láy những mắt huyền” nhưng các cô không thể sống một cuộc đời bình yên khi nước nhà đang bị giặc giày xéo nên đã gửi tuổi xuân của mình ở Trường Sơn vì sự nghiệp giải phóng đất nước: “buổi đầu ngơ ngác lặng nhìn Trường Sơn...”. Nhà thơ đau xót khi cảm nhận được sự ngậm ngùi bởi thời gian trôi qua một cách vô tình kéo theo tuổi trẻ của những cô gái: “Vài ba năm bốn năm năm/ em tôi bảy tám mùa xuân rừng già” (Người con gái). Xót xa cho những người con gái trẻ cũng chính là căm giận quân thù xâm lược.

          Trong thơ Nguyễn Duy, bên cạnh những cô gái trên tuyến đường Trường Sơn đầy mưa bom, còn có những cô hộ sản âm thầm công việc của mình ở hậu phương. “Ý nghĩ trong đêm trực của người đỡ đẻ” là tên bài thơ ghi lại những suy nghĩ bình dị, những hạnh phúc nhỏ bé khi các cô nghĩ công việc đầy ý nghĩa của mình:                         

Em tự ví thầm hai bàn tay em
Là nhịp cầu đầu tiên mười mống
Đưa những con người đi vào cuộc sống
Con người qua đây là ai mai sau?
 

Và cô tin vào tương lai tươi sáng của những sinh linh bé bỏng “đó là con người tốt/ Người làm chủ và làm giàu đất nước/ Ôi đất nước mình cứ trẻ mãi thôi!”.

          Thơ Nguyễn Duy gần gũi với mọi người không phải chỉ vì ông khai thác những đề tài quen thuộc mà còn vì những những cảm xúc tinh tế. Đúng như Hoài Thanh nhận xét: “… Thơ Nguyễn Duy đưa ta về một thế giới quen thuộc. Nguyễn Duy đặc biệt thấm thía cái cao đẹp của những con người, những cuộc đời cần cù gian khổ, không tuổi không tên. Đọc thơ Nguyễn Duy thấy anh hay cảm xúc, suy nghĩ trước những chuyện lớn, chuyện nhỏ quanh mình. Cái điều ở người khác có thể chỉ là chuyện thoảng  qua thì ở anh, nó lắng sâu và dường như đọng lại…”.

          Sức hút trong thơ Nguyễn Duy còn được thể hiện ở cách ông chiếm lĩnh đề tài, xây dựng hình tượng. Bị chi phối bởi chiến tranh, nên dễ hiểu khi hình tượng người phụ nữ trong tập “Cát trắng” chủ yếu là những người mẹ hay những cô thanh niên xung phong. Trong những khoảnh khắc “Tỏa nắng cho thơ là triệu ánh mắt anh hùng” (Dương Hương Ly), nếu Tố Hữu đã dựng nên những tượng đài sừng sững về mẹ Suốt, mẹ Tơm mang đậm chất sử thi thì ở Nguyễn Duy chân dung những người mẹ, những cô gái lại hết sức bình dị, đời thường. Những bài thơ của ông thường có âm điệu của những lời ru, những lời tâm tình, những lời vỗ về, những lời an ủi… Thể thơ Nguyễn Duy vận dụng thường là thể thơ lục bát, bảy chữ quen thuộc của thơ dân tộc. Hình ảnh trong thơ thường rất gần gũi trong đời sống hằng ngày, đó là “ổ rơm” đầy hơi ấm, bát nước ngô ngọt lành, đất quê kiểng tang thương mà kiên trung, chiếc võng trăng nơi núi rừng…

Phải chăng khi mọi người chú ý xây dựng tác phẩm theo khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn thì sự “lạc loài” của tác giả đã tạo nên sức hút và nét riêng cho nhà thơ?

 

                                                                   Lê Thị Ánh Linh