Lê Quý Đôn
Lê Quý Đôn(1726 - 1784) nguyên là Lê Danh Phương, tự Doãn Hậu, hiệu Quế Đường, sinh ngày 2-8-1726, trong một gia đình khoa bảng; cha là tiến sĩ Lê Trọng Thứ, quê tại làng Diên Hà, trấn Sơn Nam Hạ, nay là thôn Phú Hiếu, xã Độc Lập, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình.
Khi còn bé, Lê Quý Đôn đã nổi tiếng là thần đồng. Nhiều sách chép tiểu sử của ông có ghi: năm tuổi đã đọc được nhiều bài Kinh Thi, mười tuổi đã học sử. Năm 13 tuổi (1739), theo cha lên kinh đô học, đến năm 18 tuổi, ông đậu giải nguyên kỳ thi Hương trường thi Sơn Nam. Sau đó, dự thi Hội không đỗ, ông về quê nhà dạy học và viết sách.
Năm 1752, Lê Quý Đôn được 27 tuổi, ông đỗ đầu thi Hội và khi vào thi Đình ông cũng đậu đầu Bảng Nhãn tức Tam Nguyên (Khoá này không lấy Trạng nguyên). Sau khi thi đỗ, Lê Quý Đôn được bổ nhiệm chức Thụ Thư ở Viện Hàn Lâm. Năm 1754, ông được bổ làm Hàn lâm thừa chỉ rồi sung Toản tu Quốc sử quán.
Năm 1756, ông đi liêm phóng ở trấn Sơn Nam, phát giác được 7 viên quan hối lộ. Vào tháng 5 năm 1756, ông được biệt phái sang Phủ Chúa, coi phiên binh, đến tháng 8 ông đi hiệp đồng với các đạo Sơn Tây, Tuyên Quang, Hưng Hóa. Lúc về triều ông dâng bài điều trần gồm 19 khoản nói về chức Chưởng phiên binh. Chúa Trịnh Doanh xem khen ngợi và thưởng 50 lạng bạc.
Năm 1757, Lê Quý Đôn được thăng chức Thị Giảng Viện Hàn Lâm.
Tháng 6 năm Kỷ Mão niên hiệu Cảnh Hưng thứ 20 (1759) triều vua Lê Hiển Tông, thái thượng hoàng Lê Ý Tông mất. Sang tháng Giêng năm Canh Thìn (1760) triều đình cử một phái đoàn sứ bộ đi báo tang và dâng cống lễ với nhà Thanh. Lê Quý Đôn và Trịnh Xuân Chúđược cử làm phó sứ.
Trong dịp này, khi sứ đoàn An Nam đi qua các phủ châu Trung Hoa đều bị họ gọi là Di Quan Di Mục, nghĩa là quan lại mọi rợ. Khi sứ đoàn đến Quế Lâm, Lê Quý Đôn viết thư cho quan tổng trấn Quảng Châu để phản đối sự kiện nầy. Với uy tín và học vấn của Lê Quý Đôn, triều đình Trung Hoa đành phải chấp nhận bỏ những danh từ miệt thị khinh khi này và gọi sứ đoàn là An Nam Cống sứ.
Năm 1762, Lê Quý Đôn về triều được thăng chức Hàn Lâm Viện Thừa Chỉ. Ông lập Bí Thư Các và dâng sớ xin thiết lập pháp chế để trị dân nhưng không được triều đình chấp thuận và bổ ông làm Tham chính Hải Dương.
Năm 1765, ông từ quan xin cáo hưu về sống nơi quê nhà, viết sách.
Năm 1767, Trịnh Doanh qua đời, Trịnh Sâm nối ngôi Chúa, Lê Quý Đôn được phục chức Thi Thư và tham gia biên soạn Quốc sử kiêm chức Tư nghiệp Quốc Tử Giám.
Năm 1770, ông được thăng chức Công Bộ Hữu Thị Lang. Mùa xuân năm 1776, ông được bổ làm Hiệp Trấn, Tham Tán Quân Cơ ở xứ Đàng Trong (Thuận Hóa).
Năm 1778, ông được bổ nhiệm chức Hành Tham Tụng nhưng cố từ và xin được đổi sang võ ban. Ông được trao chức Hữu Hiệu Điểm, quyền Phủ Sự, phong tước Nghĩa Phái Hầu.
Năm 1781, ông được sung chức Quốc sử Tổng tài.
Năm 1783, ông đi hiệp trấn Nghệ An, không lâu sau thì mất.
Lê Quý Đôn mất ngày 1-5-1784 tại quê mẹ, làng Nguyên Xá, huyện Duy Tiên (nay thuộc Hà Nam). Thi hài ông được đưa về mai táng ở quê nhà.
Trong cuộc đời làm quan của Lê Quý Đôn, có mấy sự kiện sau có ảnh hưởng lớn đối với sự nghiệp trước, văn chương của ông.
Đó là chuyện đi sứ Trung Quốc năm 1760 - 1762. Tại Yên Kinh (Bắc Kinh), Lê Quý Đôn gặp gỡ các sứ thần Triều Tiên, tiếp xúc với nhiều trí thức nổi tiếng của nhà Thanh, bàn luận với họ những vấn đề sử học, triết học...
Học vấn sâu rộng của ông được các học giả Trung Quốc, Triều Tiên rất khâm phục. Lê Quý Đôn có dịp đọc nhiều sách mới lạ, kể cả sách của người phương Tây nói về địa lý thế giới, về ngôn ngữ học, thủy văn học... Đó là các đợt Lê Quý Đôn đi công cán ở các vùng Sơn Nam, Tuyên Quang, Lạng Sơn những năm 1772, 1774, làm nhiệm vụ điều tra nỗi khổ của nhân dân cùng tệ tham nhũng, ăn hối lộ của quan lại, khám đạc ruộng đất các vùng ven biển bị địa chủ, cường hào địa phương man khai, trốn thuế...
Chính nhờ quá trình đi nhiều, thấy nhiều, nghe nhiều, biết nhiều việc đời như vậy mà kiến thức Lê Quý Đôn trở nên phong phú vô cùng. Ông viết trong lời tựa sách Kiến văn tiểu lục: "Tôi vốn là người nông cạn, lúc còn bé thích chứa sách, lúc trưởng thành ra làm quan, xem lại sách đã chứa trong tủ, vâng theo lời dạy của cha, lại được giao du nhiều với các bậc hiền sĩ đại phu. Thêm vào đấy phụng mệnh làm việc công, bốn phương rong ruổi: mặt bắc sang sứ Trung Quốc, mặt tây bình định Trấn Ninh, mặt nam trấn thủ Thuận Quảng (Thuận Hóa, Quảng Nam). Đi tới đâu cũng để ý tìm tòi, làm việc gì mắt thấy tai nghe đều dùng bút ghi chép, lại phụ thêm lời bình luận sơ qua, giao cho tiểu đồng đựng vào túi sách".
Ngoài đầu óc thông tuệ đặc biệt cộng với vốn sống lịch lãm và một nghị lực làm việc phi thường, phải kể đến thời đại mà Lê Quý Đôn sống. Và ông là đứa con đẻ, là sản phẩm của thời đại ấy kết tinh lại.
Lê Quý Đôn sống ở thế kỷ thứ 18 thời kỳ xã hội Việt Nam có nhiều biến động lớn. Trong lòng xã hội Việt Nam đầy mâu thuẫn khi ấy đang nảy sinh những mầm mống mới của thời kỳ kinh tế hàng hóa, thị trường trong nước mở rộng, thủ công nghiệp và thương nghiệp có cơ hội phát triển... Tình hình đó đã tác động mạnh mẽ tới đời sống văn hóa, tư tưởng, khoa học.
Ở thế kỷ 18, xuất hiện nhiều tên tuổi rực rỡ như Đoàn Thị Điểm, Ngô Thì Sĩ, Nguyễn Gia Thiều, Đặng Trần Côn, Lê Hữu Trác... Đồng thời các tri thức văn hóa, khoa học của dân tộc được tích lũy hàng ngàn năm tới nay đã ở vào giai đoạn súc tích, tiến đến trình độ phải hệ thống, phân loại. Thực tế khách quan này đòi hỏi phải có những bộ óc bách khoa và Lê Quý Đôn với học vấn uyên bác của mình đã trở thành người "tập đại hành" mọi tri thức của thời đại. Có thể nói, toàn bộ những tri thức cao nhất ở thế kỷ thứ 18 đều được bao quát vào trong các tác phẩm của Lê Quý Đôn. Tác phẩm của ông như cái mốc lớn đánh dấu thành tựu văn hóa của cả một thời đại với tất cả những ưu điểm cùng nhược điểm của nó.
Tác phẩm của Lê Quý Đôn thống kê có tới 40 bộ, bao gồm hàng trăm quyển, nhưng một số bị thất lạc. Những tác phẩm tiêu biểu của Lê Quý Đôn còn giữ được có thể kể ra như sau:
- Quần thư khảo biện, tác phẩm chứa đựng nhiều quan điểm triết học, lịch sử, chính trị được viết trước năm ông 30 tuổi.
- Vân đài loại ngữ, Lê Quý Đôn làm xong lúc ông 30 tuổi. Đây là một loại "bách khoa thư", trong đó tập hợp các tri thức về triết học, khoa học, văn học... sắp xếp theo thứ tự: Vũ trụ luận, địa lý, điển lệ, chế độ, văn nghệ, ngôn ngữ, văn tự, sản vật tự nhiên, xã hội... Vân đài loại ngữ là bộ sách đạt tới trình độ phân loại, hệ thống hóa, khái quát hóa khá cao, đánh dấu một bước tiến bộ vượt bậc đối với nền khoa học Việt Nam thời phong kiến.
- Đại Việt thông sử, còn gọi Lê triều thông sử, là bộ sử được viết theo thể ký truyện, chép sự việc theo từng loại, từng điều một cách hệ thống, bắt đầu từ Lê Thái Tổ đến Cung Hoàng, bao quát một thời gian hơn 100 năm của triều Lê, trong đó chứa đựng nhiều tài liệu mới mà các bộ sử khác không có, đặc biệt là về cuộc kháng chiến chống Minh.
- Kiến văn tiểu lục, là tập bút ký nói về lịch sử và văn hóa Việt Nam từ đời Trần đến đời Lê. Ông còn đề cập tới nhiều lĩnh vực thuộc chế độ các vương triều Lý, Trần, từ thành quách núi sông, đường xá, thuế má, phong tục tập quán, sản vật, mỏ đồng, mỏ bạc và cách khai thác cho tới các lĩnh vực thơ văn, sách vở...
- Phủ biên tạp lục, được viết trong thời gian Lê Quý Đôn làm Hiệp trấn Thuận Hóa. Nội dung ghi chép về tình hình xã hội. Đàng Trong từ thế kỷ thứ 18 trở về trước.
Công trình biên soạn lớn nhất của Lê Quý Đôn là bộ Toàn Việt thi lục 6 quyển, tuyển chọn 897 bài thơ của 73 tác giả từ thời Lý đến đời Lê Tương Dực (1509 - 1516). Lê Quý Đôn hoàn thành Toàn Việt thi lục năm 1768, dâng lên vua, được thưởng 20 lạng bạc.
Về sáng tác văn xuôi, theo Phan Huy Chú, Lê Quý Đôn có Quế Đường văn tập 4 quyển, nhưng sách này đã mất. Về sáng tác thơ, Lê Quý Đôn để lại có Quế Đường thi tập khoảng vài trăm bài làm ở trong nước.
Tác phẩm của ông nhìn chung tươi vui, lạc quan, xây dựng hình tượng con người đầy tinh thần trách nhiệm.
Ngày nay, muốn nghiên cứu mọi mặt hoạt động đời sống vật chất, tinh thần xã hội nước ta từ thể kỉ XVIII về trước không thể không đọc tác phẩm của Lê Quý Đôn.
Nhận xét về Lê Quý Đôn, Bùi Huy Bích, một học giả đương thời, viết: “Thông minh nhất đời, đọc rộng các sách, soạn ra văn chương đủ dạy đời và lưu truyền về sau, nước ta trong vài trăm năm nay mới có một người như thầy”.