PGS.TS, Đại tá Trần Đình Tuấn phân tích: Trong những năm qua ngành Giáo dục đã có sự chuyển biến rất lớn, và mạnh mẽ cả về phương diện lý luận và phương diện thực tiễn.
Giáo dục đã có hướng đi rất rõ ràng
Ngược trở lại với tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, năm 1945 trong lá thư gửi cho HSSV nhân buổi khai trường đầu tiên, Bác Hồ đã viết: Từ giờ phút này trở đi các cháu được hưởng một nền giáo dục hoàn toàn Việt Nam, nền giáo dục làm phát triển năng lực hoàn toàn sẵn có của các cháu.
Thực tế giáo dục nước nhà hiện nay đang chuyển động theo đúng hướng với tư tưởng của Người.
Cụ thể, về phương diện lý luận, giáo dục đã có hướng đi rất rõ ràng. Trước đây, chúng ta đã tiến hành đổi mới nhưng theo nhiều khuynh hướng, nhiều quan điểm khác nhau.
Nhưng bây giờ, kể từ khi có Nghị quyết 29/NQ-TƯ về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, chúng ta đã xác định hướng phát triển của giáo dục Việt Nam rất đúng và trúng.
Cụ thể trong 7 quan điểm mà Nghị quyết đưa ra, thì quan điểm thứ 3 đã xác định: Chuyển hẳn từ trang bị kiến thức sang phát triển năng lực toàn diện cho người học.
Đây là cái mới về mặt phương diện lý luận. Cái mới này làm cho giáo dục của Việt Nam trong năm vừa qua đã đi đúng với xu hướng phát triển của thời đại.
Điều này được biểu hiện cụ thể như sau: Phương pháp dạy học trước kia thường trang bị cho người học kiến thức cơ bản, kiến thức đầy đủ và chính xác, rồi sau đó người học ra ngoài làm việc mới hình thành năng lực và tự khẳng định mình.
Điều đó bây giờ đã được khắc phục. Ngay từ khi trong ngồi trên ghế nhà trường, các em HSSV đã được trang bị những kỹ năng ứng biến.
PGS lý giải: Trong nhà trường, các thầy cô có thể sẽ cung cấp cho các em kiến thức không đầy đủ để buộc người học phải xử lý và tìm xem đâu là kiến thức đúng, đâu là kiến thức nhiễu. Cuối cùng các em sẽ đưa ra chính kiến của mình. Với phương pháp này, tôi tin là người học sẽ phát triển được năng lực của mình.
“Mặt khác, theo quan điểm của UNESCO về 4 trụ cột của giáo dục thế kỷ 21 là: Học để biết. Học để làm. Học để cùng chung sống. Học để làm người và khẳng định mình. Trong khi đó, hiện nay, chúng ta đang đặc biệt lưu ý đến yếu tố học để khẳng định mình, học để phát triển năng lực cá nhân.
Vì thế tôi mới nói là ngành Giáo dục của chúng ta đang đổi mới đúng hướng, phù hợp với xu thế thời đại và hội nhập quốc tế” - PGS Tuấn nhấn mạnh.
Đổi mới của giáo dục phải có tính ổn định, không thể nóng vội
Đổi mới của giáo dục phải có tính ổn định không thể nóng vội. Nó phải được thực hiện một cách từ từ và hài hòa với điều kiện thực tiễn của đất nước.
Có thể là 3 năm, 5 năm thậm chí là lâu hơn nữa mới có kết quả – PGS Trần Đình Tuấn nhận định.
Chính vì lẽ đó mà PGS không đồng tình với những nhận xét chưa khách quan, còn cực đoan của một số người về ngành Giáo dục.
“Giáo dục ai cũng nghĩ như mình đã biết, ai cũng tưởng như mình đã hay, ai cũng tưởng như mình đã làm, nhưng thực ra chỉ có ai trăn trở với giáo dục, những ai mà dày công nghiên cứu về giáo dục mới hiểu hết được những khó khăn, vất vả của người làm công tác giáo dục. Vì vậy mà tôi rất chia sẻ với người đứng đầu của ngành Giáo dục - Bộ trưởng Phạm Vũ Luận” – Nhà giáo, Đại tá quân đội bộc bạch.
Theo PGS Trần Đình Tuấn, nền giáo dục Việt Nam phải căn cứ vào điều kiện chính trị, kinh tế, xã hội của Việt Nam, phải đảm bảo phù hợp với tốc độ phát triển của nước nhà.
"Chúng ta không thể đem cả Trường Đại học Harvard về đặt ở Hà Nội được bởi nó không phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam.
Hay như một giáo sư tài giỏi nhất của Harvard nếu dạy ở trường của ta thì có chăng chỉ dạy được về công nghệ, về Ngoại ngữ chứ không thể dạy được về văn hóa, đạo đức của con người Việt Nam.
Vì vậy nếu như ai đó cứ đem so sánh giáo dục của nước nhà với các nước khác trên thế giới thì quả là vô lý và khập khiễng” – PGS. Đại tá Trần Đình Tuấn thẳng thắn trao đổi.
Theo Minh Phong
Báo giáo dục & thời đại