CHUYÊN ĐỀ THÁNG 9/2014 QUAN HỆ QUỐC TẾ TRONG VÀ SAU THỜI KÌ CHIẾN TRANH LẠNH
TRƯỜNG THPT CHUYÊN LÊ QUÝ ĐÔN
TỔ: SỬ - ĐỊA – CÔNG DÂN
CHUYÊN ĐỀ THÁNG 9/2014
QUAN HỆ QUỐC TẾ TRONG VÀ SAU THỜI KÌ CHIẾN TRANH LẠNH
Người thực hiện: Nguyễn Ngọc Gia Lăng
I. SỰ HÌNH THÀNH TRẬT TỰ THẾ GIỚI MỚI SAU CHIẾN TRANH THẾ GIỚI THỨ HAI (1945 – 1949)
1. Hội nghị Ianta (2/1945)
a. Hoàn cảnh:
- Đầu năm 1945, cuộc chiến tranh thế giới thứ hai bước vào giai đoạn cuối với cuộc tấn công như vũ bão của Hồng quân Liên Xô đang tiến nhanh về Beclin. Nhiều vấn đề quan trọng và cấp bách đặt ra trước các cường quốc Đồng minh. Đó là: Nhanh chóng đánh bại hoàn toàn phát xít; Tổ chức lại thế giới sau chiến tranh; phân chia thành quả chiến thắng giữa các nước thắng trận.
- Trong bối cảnh đó, một cuộc hội nghị quốc tế được triệu tập tại Ianta (Liên Xô) từ ngày 4-11/2/1945 với sự tham gia của 3 vị nguyên thủ là Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng chiến tranh Liên Xô – Xtalin, Tổng thống Mĩ – Rudơven, Thủ tướng Anh – Sơcsin – đại diện 3 cường quốc trụ cột trong cuộc chiến tranh chống phát xít.
b. Những quyết định của Hội nghị:
- Xác định mục tiêu chung: là tiêu diệt tận gốc chủ nghĩa Đức và chủ nghĩa quân phiệt Nhật Bản. Để nhanh chóng kết thúc chiến tranh, sau khi đánh bại nước Đức phát xít, Liên Xô sẽ tham chiến chống Nhật ở Châu Á.
- Thành lập Tổ chức Liên Hợp Quốc nhằm duy trì hòa bình và an ninh thế giới.
- Thỏa thuận về việc đóng quân tại các nước nhằm giải giáp đội phát xít và phân chia phạm vi ảnh hưởng ở châu Âu và châu Á.
Toàn bộ những quyết định của Hội nghị Ianta cùng những thỏa thuận sau đó của 3 cường quốc đã trở thành khuôn khổ của Trật tự thế giới mới, thường được gọi là Trật tự hai cực Ianta.
Những quyết định của Hội nghị Ianta đã dẫn tới sự hình thành một trật tự thế giới mới, được gọi là “Trật tự hai cực Ianta”. Trật tự hai cực Ianta ra đời làm cho thế giới phân chia thành hai hệ thống đối lập. Một cực của Liên Xô do các nước XHCN và một cực của Mĩ đại diện cho các nước TBCN. Trong quá trình tồn tại của hai cực này làm cho quan hệ quốc tế có sự đối đầu giữa hai phe: XHCN và TBCN.
2. Sự phân chia phạm vi ảnh hưởng do 3 cường quốc thỏa thuận ở Hội nghị Ianta
a. Ở châu Âu:
- Đông Đức, Đông Beclin và Đông Âu do quân đội Liên Xô chiếm đóng.
- Ở Tây Đức, tây Beclin và Tây Âu do quân đội Mĩ, Anh và Pháp chiếm đóng. Riêng hai nước Áo và Phần Lan trở thành những nước trung lập.
b. Ở châu Á:
- Hội nghị chấp nhận những điều kiện của Liên Xô để tham chiến chống Nhật Bản: giữ nguyên trạng Mông Cổ, miền Nam đảo Xakhalin trả lại cho LX, quốc tế hóa thương cảng Đại Liên (Trung Quốc), LX chiếm 4 đảo thuộc đảo Curin.
- Đối với Nhật Bản: quân đội Mĩ chiếm đóng.
- Bán đảo Triều Tiên: quân đội Mĩ chiếm đóng Nam Triều Tiên, quân đội Liên Xô chiếm đóng Bắc Triều Tiên (lấy vĩ tuyến 38 làm ranh giới).
- Trung Quốc: quân đội Mĩ và Liên Xô phải rút khỏi TQ.
- Các vùng còn lại ở châu Á như Đông Nam Á, Nam Á, Tây Á vẫn thuộc phạm vi ảnh hưởng của các nước phương Tây.
3. Sự hình thành hai hệ thống xã hội đối lập
a. Về địa lý – chính trị
- Tại hội nghị Potxđam, ba cường quốc đã khẳng định, nước Đức phải trở thành một quốc gia thống nhất, hòa bình, dân chủ… Tuy nhiên, trái với thỏa thuận ở Potxđam , Mĩ-Anh-Pháp đã hợp nhất vùng chiếm đóng của mình để thành lập một nhà nước riêng rẽ - Nhà nước Cộng hòa Liên bang Đức (9/1949).
- Để đối phó lại, Liên Xô đã giúp các lực lượng dân chủ ở phía Đông Đức thành lập nước Cộng hòa dân chủ Đức (10/1949).
Kết quả: Trên lãnh thổ Đức đã xuất hiện hai nhà nước với hai chế độ chính trị và con đường phát triển khác nhau. Như vậy, nước Đức đã bị chia cắt.
- Trong những năm 1944 – 1945, Hồng quân Liên Xô truy kích phát xít qua lãnh thổ Đông Âu, nhân dân các nước này nổi dậy khởi nghĩa giành chính quyền, xây dựng chế độ dân chủ nhân dân ở Balan, Rumani, Bunggari, Hunggari, Tiệp Khắc… và thiết lập quan hệ liên minh chặt chẽ với Liên Xô.
- Ở Tây Âu, được sự giúp đỡ của Mĩ, các lực lượng tư sản đã nhanh chóng khôi phục và củng cố các nhà nước dân chủ tư sản.
Như vậy, trên lãnh thổ châu Âu đã hình thành hai khu vực ảnh hưởng của Liên Xô và Mĩ với những con đường phát triển khác nhau.
b. Về kinh tế
- Trong những năm 1945 – 1947, các nước Đông Âu tiến hành nhiều cải cách quan trọng. Đồng thời, Liên Xô cùng các nước Đông Âu kí nhiều hiệp ước tay đôi về kinh tế, từ đó thiết lập quan hệ kinh tế chặt chẽ giữa Liên Xô và Đông Âu.
- Đến tháng 1/1949, Liên Xô và các nước Đông Âu thành lập Hội đồng tương trợ kinh tế (SEV).
- Các nước Tây Âu bị chiến tranh tàn phá nặng nề, Mĩ đã thực hiện “kế hoạch Macsan” (4/1948-6/1952) nhằm giúp các nước Tây Âu khôi phục kinh tế và tăng cường ảnh hưởng ở đây. Mười sáu nước Tây Âu đã nhận viện trợ của Mĩ với khoảng 17 tỷ USD.
Như vậy, về mặt chính trị và kinh tế ở châu Âu đã hình thành hai khối nước đối lập nhau: Đông Âu XHCN và Tây Âu TBCN.
II. MÂU THUẪN ĐÔNG TÂY VÀ SỰ KHỞI ĐẦU CỦA CHIẾN TRANH LẠNH
1. Nguồn gốc của mâu thuẫn Đông – Tây
a. Sự đối lập về mục tiêu và chiến lược giữa 2 cường quốc Liên Xô và Mĩ.
- Liên Xô chủ trương duy trì hòa bình, an ninh thế giới, bảo vệ những thành quả của CNHX và đẩy mạnh phong trào cách mạng thế giới.
- Mĩ ra sức chống phá Liên Xô và các nước XHCN, đẩy lùi phong trào cách mạng nhằm thực hiện mưu đồ bá chủ thế giới.
b. Những thắng lợi của các cuộc cách mạng dân chủ nhân dân ở các nước Đông Âu, sự thành công của cách mạng Trung Quốc với sự ra đời của nước CHND Trung Hoa. CNHX đã trở thành hệ thống thế giới và đang mở ra ở châu Á, Mĩ Latinh, làm cho CNXH mở rộng từ Âu sang Á và Mĩ Latinh, ảnh hưởng của Liên Xô và CNHX nói chung ngày càng lớn. Trong bối cảnh ấy, Mĩ tìm cách ngăn chặn ảnh hưởng này của CNHX.
c. Sau chiến tranh thế giới thứ hai, Mĩ trở thành nước giàu mạnh nhất về kinh tế và tài chính, về quân sự và đang nắm trong tay lợi thế vũ khí nguyên tử. Từ đó, Mĩ tự cho mình quyền lãnh đạo thế giới chống lại CNHX… Tổng thống Truman công khai tuyên bố: ngày nay Hoa Kì là một quốc gia mạnh, không có một quốc gia nào mạnh hơn… Điều đó có nghĩa là với sức mạnh như thế, Mĩ có nghĩa vụ nắm quyền lãnh đạo thế giới.
Trong bối cảnh của thế giới sau chiến tranh, Xô-Mĩ đã chuyển từ sự hợp tác trong chiến tranh sang tình trạng đối đầu và chiến tranh lạnh.
2. Những biểu hiện của chiến tranh lạnh
- Sự kiện được xem là khởi đầu cho chính sách chống Liên Xô, gây nên tình trạng chiến tranh lạnh của Mĩ là thông điệp của Tổng thống Truman tại Quốc hội Mĩ ngày 12/3/1947. Trong đò, Tổng thống Mĩ khẳng định: Sự tồn tại của Liên Xô là nguy cơ lớn đối với nước Mĩ và đề nghị viện trợ khẩn cấp 400 triệu USD cho hai nước Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kì.
- Đầu tháng 6/1947, Mĩ đề ra “kế hoạch Macsan” với khoản viện trợ 17 tỷ USD để giúp các nước Tây Âu phục hồi kinh tế bị tàn phá sau chiến tranh. Mặt khác, qua kế hoạch này, Mĩ còn nhằm tập hợp các nước Tây Âu vào Liên minh quân sự chống Liên Xô và các nước Đông Âu. Việc thực hiện “kế hoạch Macsan” đã tạo nên sự phân chia đối lập về kinh tế và chính trị giữa các nước Tây Âu TBCN và các nước Đông Âu XHCN.
- Ngày 4/4/1949, Mĩ thành lập khối quân sự - Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) gồm Mĩ và 11 nước phương Tây (Anh, Pháp, Canada, Italia, Bỉ, Hà Lan, Lucxămbua, Đan Mạch, Nauy, Aixơlen, Bồ Đào Nha), sau thêm Hi lạp, Thổ Nhĩ Kì, CHLB Đức, Tây Ban Nha. Đây là liên minh quân sự lớn nhất của các nước tư bản phương Tây do Mĩ cầm đầu nhằm chống Liên Xô và các nước XHCN Đông Âu.
- Trước những hoạt động đe dọa đó, nhất là việc tham gia của CHLB Đức vào NATO, 1/1949 Liên Xô và các nước Đông Âu thành lập Hội đồng tương trợ kinh tế (SEV) nhằm thực hiện sự hợp tác và giúp đỡ lẫn nhau giữa các nước XHCN.
- 5/1955, Liên Xô và các nước Đông Âu (Anbani, Balan, Hunggari, Bunggari, CHDC Đức, Tiệp Khắc, Rumani) đã thành lập Tổ chức Hiệp ước Vacsava – một liên minh chính trị quân sự mang tính chất phòng thủ của các nước XHCN châu Âu.
Như vậy, sự ra đời của NATO và Tổ chức Hiệp ước Vacsava là những sự kiện cuối cùng đánh dấu sự xác lập của cục diện 2 cực, 2 phe. Chiến tranh lạnh đã bao trùm cả thế giới.
* Chiến tranh lạnh: là cuộc đối đầu căng thẳng giữa 2 phe – phe TBCN do Mĩ cầm đầu và phe XHCN do Liên Xô làm trụ cột. Chiến tranh lạnh đã diễn ra trên hầu hết các lĩnh vực, từ chính trị, quân sự đến kinh tế, văn hóa – tư tưởng… ngoại trừ sự xung đột trực tiếp bằng quân sự giữa 2 siêu cường quốc.
Tuy không nổ ra một cuộc CTTG, nhưng trong gần nửa thế kỉ của chiến tranh lạnh, thế giới luôn nằm trong tình trạng căng thẳng, nhiều cuộc chiến tranh cục bộ đã diễn ra ở một số khu vực như Đông Nam Á, Đông Bắc Á, Trung Đông…
- Cuộc phong tỏa Beclin (1948) và Bức tường Beclin (1961)
- Cuộc chiến tranh xâm lược Đông Dương của thực dân Pháp (1945-1954)
- Cuộc chiến tranh Triều Tiên (1950-1953)
- Cuộc khủng hoảng Caribe (1962)
- Cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam của đế quốc Mĩ (1954-1975)
III. XU THẾ HÒA HOÃN ĐÔNG TÂY VÀ CHIẾN TRANH LẠNH KẾT THÚC
1. Xu thế hòa hoãn Đông Tây
Đầu những năm 70 xu hướng hòa hoãn Đông Tây đã xuất hiện với những cuộc gặp gỡ thương lượng Xô – Mĩ.
- 9/11/1972, hai nước Đức – Cộng hòa Dân chủ và Cộng hòa Liên bang đã kí kết tại Bon Hiệp định về những cơ sở của quan hệ giữa Đông Đức và Tây Đức. Theo đó, 2 bên phải tôn trọng không điều kiện chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của nhau cũng như các nước châu Âu trên đường biên giới hiện tại. Hai bên thiết lập quan hệ láng giềng thân thiện, bình thường trên cơ sở bình đẳng, giải quyế các vấn đề tranh chấp bằng biện pháp hòa bình và sẽ tự kiềm chế việc đe dọa bằng vũ lực hay sử dụng vũ lực.
- Cũng trong năm 1972, hai siêu cường Liên Xô, Mĩ đã thỏa thuận về việc hạn chế vũ khí chiến lược và ngày 26/5 kí Hiệp ước về việc hạn chế hệ thống phòng chống tên lửa (ABM), sau đó là Hiệp định hạn chế vũ khí tiến công chiến lược (SALT 1). Hiệp ước ABM qui định: Liên Xô và Mĩ, mỗi nước chỉ được xây dựng 2 hệ thống ABM với mỗi hệ thống có 100 tên lửa chống tên lửa. Đến năm 1974, mỗi nước chỉ có một hệ thống ABM. Với hai hiệp ước này, từ giữa những năm 70 đã hình thành thế cân bằng chiến lược giữa Liên Xô và Mĩ về lực lượng quân sự nói chung và về vũ khí hạt nhân chiến lược nói riêng.
- Đầu tháng 8/1975, 33 nước châu Âu cùng Mĩ, Canada đã kí Định ước Henxinki, khẳng định những nguyên tắc trong quan hệ giữa các quốc gia như bình đẳng, chủ quyền, sự bền vững của đường biên giới, giải quyết hòa bình các tranh chấp… nhằm bảo đảm an ninh châu Âu và sự hợp tác giữa các nước về kinh tế, khoa học – kĩ thuật, bảo vệ môi trường…àĐịnh ước Henxenki (1975) đánh dấu sự chấm dứt tình trạng đối đầu giữa 2 khối nước TBCN và XHCN ở châu Âu, đồng thời tạo nên một cơ chế giải quyết các vấn đề liên quan đến hòa bình,an ninh ở châu lục này.
- Từ đầu những năm 70, hai siêu cường Xô – Mĩ đã tiến hành những cuộc gặp cấp cao, nhất là từ năm 1985 khi Goócbachốp lên cầm quyền ở Liên Xô.
- Tháng 12/1989, trong cuộc gặp không chính thức tại đảo Manta (Địa Trung Hải) Tổng Bí thư Đảng cộng sản Liên Xô - Goócbachốp và Tổng thống Mĩ – Busơ đã chính thức cùng tuyên bố chấm dứt chiến tranh lạnh.
Chiến tranh lạnh chấm dứt đã mở ra chiều hướng và những điều kiện giải quyết hòa bình các vụ tranh chấp, xung đột đang diễn ra ở nhiều khu vực trên thế giới. Tuy vậy, tình trạng chiến tranh lạnh chỉ thực sự kết thúc sau khi Liên bang Xô viết tan rã, trật tự hai cực Ianta không còn nữa.
2. Nguyên nhân của việc chấm dứt chiến tranh lạnh
- Cuộc chạy đua vũ trang kéo dài hơn bốn thập kỉ quá tốn kém, làm suy giảm thế mạnh của cả Mĩ và Liên Xô.
- Mĩ và Liên Xô đang đứng trước những khó khăn thách thức lớn:
+ Sự vươn lên mạnh mẽ của Đức, Nhật Bản, Tây Âu… các nước này đã trở thành những đối thủ cạnh tranh đáng gờm đối với Mĩ, còn Liên Xô lúc này nền kinh tế ngày càng lâm vào tình trạng trì trệ, khủng hoảng.
+ Cuộc chạy đua kinh tế mang tính toàn cầu mà cả thế giới đang gắng sức.
+ Cuộc cách mạng khoa học - công nghệ đang diễn ra sôi nổi, đòi hỏi các nước phải tập trung sức mạnh để chiếm lĩnh.
Như vậy, muốn vươn lên, cả Mĩ và Liên Xô thấy cần thiết phải tránh tình trạng đối đầu để ổn định và củng cố vị thế của mình. Hai nước Liên Xô và Mĩ cần hợp tác với nhau để góp phần giải quyết những vấn đề bức thiết toàn cầu.
* Tác động của sự kiện chấm dứt chiến tranh lạnh:
- Các nước lớn đều thay đổi đường lối đối ngoại.
- Chiến tranh lạnh chấm dứt mở ra chiều hướng và những điều kiện giải quyết hòa bình các vụ tranh chấp, xung đột khu vực như ở Apganixtan, ở Campuchia, Namibia.
3. Thế giới sau chiến tranh lạnh
- Sau nhiều năm trì trệ và khủng hoảng kéo dài, tới những năm 1989 – 1991 chế độ XHCN đã bị sụp đổ ở các nước Đông Âu và Liên bang Xô viết. Này 28/6/1991, Hội đồng tương trợ kinh tế (SEV) tuyên bố giải thể. Sau đó, ngày 1/7/1991, Tổ chức Hiệp ước Vacsava chấm dứt hoạt động. Với “cực” Liên Xô tan rã, hệ thống thế giới của các nước XHCN không còn tồn tại, trật tự thế giới 2 cực Ianta sụp đổ. Thế “hai cực” của hai siêu cường không còn nữa, Mĩ là “cực” duy nhất còn lại. Phạm vi ảnh hưởng của Liên Xô ở châu Âu và châu Á đã bị mất, ảnh hưởng của Mĩ cũng bị thu hẹp ở nhiều nơi.
- Từ sau năm 1991 đầy biến động, tình hình thế giới đã diễn ra những thay đổi to lớn và phức tạp:
+ Một là, trật tự thế giới hai cực đã sụp đổ nhưng trật tự thế giới mới lại đang trong quá trình hình thành. Tuy nhiên, phải mất nhiều năm nữa mới có thể hình thành một trật tự thế giới mới theo xu hướng đa cực, nhiều trung tâm với sự vươn lên, đua tranh mạnh mẽ của các cường quốc như Mĩ, Liên minh châu Âu, Nhật Bản, Nga, Trung Quốc.
+ Hai là, sau Chiến tranh lạnh, hầu như các quốc gia đều điều chỉnh chiến lược phát triển, tập trung vào phát triển kinh tế. Ngày nay, kinh tế đã trở thành trọng điểm của quan hệ quốc tế, nền tảng căn bản để xây dựng sức mạnh thực sự của mỗi quốc gia.
+ Ba là, sự tan rã của Liên Xô đã tạo cho Mĩ một lợi thế tạm thời. Giới cầm quyền Mĩ ra sức thiết lập trật tự thế giới một cực để Mĩ làm bá chủ thế giới. Mặc dù ngày nay Mĩ có một lực lượng kinh tế - tài chính, khoa học – kĩ thuật và quân sự vượt trội so với tất cả các quốc gia, nhưng giữa tham vọng to lớn làm bá chủ thế giới và khả năng hiện thực của Mĩ là một khoảng cách không nhỏ. Nhiều sự kiện diễn ra trên thế giới gần đây đã chứng tỏ điều đó.
+ Bốn là, sau chiến tranh lạnh, hòa bình thế giới được củng cố, nhưng ở nhiều khu vực tình hình lại không ổn định với những cuộc nội chiến, xung đột quân sự đẫm máu kéo dài. Những cuộc xung đột đã xảy ra ở bán đảo Bancăng, một số nước châu Phi và Trung Á. Nguyên nhân chính là do những mâu thuẫn về sắc tộc, tôn giáo và tranh chấp lãnh thổ đã bùng lên dữ dội, khi mâu thuẫn hai cực Đông – Tây không còn nữa.
- Bước sang thế kỉ XXI, với sự tiến triển của xu thế hòa bình, hợp tác và phát triển, các dân tộc hi vọng về một tương lai tốt đẹp của loài người. Nhưng cuộc tấn công khủng bố bất ngờ vào nước Mĩ ngày 11/9/2001 đã mở đầu cho một thời kì biến động lớn trong tình hình thế giới.
- Sự kiện 11/9 đã đặt các quốc gia - dân tộc đứng trước những thách thức của chủ nghĩa khủng bố đầy tệ hại với những nguy cơ khó lường. Nó đã gây ra những tác động to lớn, phức tạp đối với tình hình chính trị thế giới và các quan hệ quốc tế.
- Với xu thế phát triển của thế giới từ cuối TK XX – đầu TK XXI, ngày nay các quốc gia – dân tộc vừa đứng trước những thời cơ phát triển thuận lợi, vừa phải đối mặt với những thách thức vô cùng to lớn.